Bán khống là gì? Lợi ích và rủi ro của việc bán khống (short selling)

 Bán khống (short selling) là thuật ngữ xuất hiện thường xuyên trên thị trường chứng khoán, forex hay thậm chí là nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống. Tuy nhiên, có rất nhiều nhà đầu tư chưa thực sự hiểu rõ bán khống là gì? Lợi ích và rủi ro của bán khống là gì? Mời các bạn hãy cùng SMC tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Bán khống (short selling) là gì?

Bán khống (short selling) là hình thức thu lời từ sự sụt giảm của các cổ phiếu, trái phiếu, vàng hay chứng khoán phái sinh. Hoặc cũng có thể định nghĩa bán khống là hình thức đầu cơ giá xuống. Người bán khống không trực tiếp sở hữu cổ phiếu, trái phiếu… nhưng có thể đi vay mượn để bán, sau đó chờ giả giảm xuống để mua lại và trả nợ cho người cho vay.

Bán khống là gì?

Ví dụ: A có 1 cây vàng, B vay A và bán số lượng vàng đó với số tiền là 50 triệu đồng. Tuy nhiên, sau 1 thời gian giá vàng giảm xuống còn 48 triệu đồng một cây. B đã mua lại số vàng đó để trả lại cho A. Dĩ nhiên B đã có lời ngay 2 triệu đồng nhờ chênh lệch giá. 

Một ví dụ khác về bán khống trong thị trường chứng khoán như sau: 

Giả sử giá cổ phiếu của công ty A đang bán với giá 10 USD/cổ phần. Một người bán khống sẽ mượn 100 cổ phiếu của công ty A và bán chúng để thu được 1000 USD. Nếu giá cổ phiếu của công ty A sau này rớt xuống còn 8 USD/cổ phần thì người bán khống sẽ mua lại 100 cổ phiếu đó với giá 800 USD và đồng thời người bán khống sẽ trả các cổ phiếu cho người chủ gốc và được lợi nhuận là 200 USD. 

Mục đích của việc bán khống

Bán khống xuất phát từ rất nhiều mục đích khác nhau của nhà đầu tư, chẳng hạn như:

  • Bán khống nhằm mục đích đầu cơ

Các nhà đầu tư kỳ vọng giá của tài sản sẽ giảm xuống. Trong trường hợp thị trường xuất hiện các dấu hiệu cho thấy giá sẽ đi xuống, đây chính là thời điểm để các nhà đầu tư mở các vị thế bán để hưởng lợi.


  • Bán khống nhằm giảm thiểu các rủi ro

Bán khống giúp nhà đầu tư có thể tham gia thị trường mà không cần phải sở hữu tài sản đó. Hơn nữa, việc thực hiện bán khống có khả năng giảm thiểu rủi ro khi thị trường biến động mạnh. 

Các thị trường có thể bán khống

Bất kỳ một thị trường nào cũng có thể được sử dụng để bán khống. Nguyên nhân là hợp đồng chênh lệch (CFD) không yêu cầu nhà đầu tư phải đáp ứng điều kiện tài sản cơ bản. Do đó, bạn có thể mở một vị thế bán khống cho bất kỳ hợp đồng nào với các hàng hóa chính như vàng, dầu, DE30, US100, tỷ lệ cặp tiền tệ, cổ phiếu. 

Lợi ích của bán khống

Bán khống đem lại rất nhiều lợi ích không chỉ riêng nhà đầu tư, mà nó còn có ý nghĩa đối với quỹ đầu tư, nền kinh tế, thị trường chứng khoán. Cụ thể như sau: 

  • Lợi ích đối với nhà đầu tư: Bán khống giúp cho nhà đầu tư kiếm được lợi nhuận từ sự chênh lệch giá bán nhờ vào việc dự đoán được sự suy giảm của cổ phiếu. Ngoài ra, bên mua cũng có thể mua được số lượng lớn cổ phiếu với giá trị thấp hơn so với giá trị cơ bản của nó. 
  • Đối với các quỹ đầu tư: Bán khống giúp cho các quỹ đầu tư được hoạt động ổn định, phòng ngừa được rủi ro khi thị trường đột ngột giảm giá. Điều này sẽ bảo vệ các quỹ đầu tư không bị ảnh hưởng nặng nề từ thị trường chung. 


  • Đối với nền kinh tế và thị trường chứng khoán: Bán khống sẽ giúp cho thị trường chứng khoán tăng tính thanh khoản. Nếu như số lượng người bán gia tăng thì số lượng người mua cũng sẽ tăng lên. Khi đó bán khống tạo nên độ cân bằng và tính hiệu quả của thị trường nhờ vào tăng tính thanh khoản.
  • Bán khống còn là cách thức để lật tẩy những công ty niêm yết trên thị trường có dấu hiệu gian dối, lạm dụng và thao túng cổ phiếu. Từ đó, tình trạng bong bóng thị trường cũng được giảm thiểu nhờ vào việc kích thích lượng cung. 

Rủi ro của việc bán khống

Nếu xu hướng giảm giá không diễn ra theo đúng kỳ vọng thì việc bán khống sẽ mang đến rất nhiều rủi ro. Bởi vậy, trước khi tiến hành bất kỳ giao dịch bán khống nào, nhà đầu tư cần cân nhắc thật kỹ lưỡng. Một số rủi ro có thể kể đến như:

  • Sử dụng tiền vay

Khi thực hiện bán khống, bạn bắt buộc phải có tài khoản ký quỹ thì mới có thể tiến hành vay tiền từ công ty môi giới và sử dụng khoản đầu tư của mình làm tài sản thế chấp. Trong trường hợp này, khả năng thua lỗ của bạn là rất cao nếu như tài khoản của bạn trượt xuống dưới mức duy trì tối thiểu là 25%. Khi đó, bạn sẽ nhận được cuộc gọi ký quỹ (margin call) và buộc phải nạp thêm tiền mặt hoặc thanh lý vị thế của mình.

  • Sai thời điểm

Bạn không thể chắc chắn được chính xác về thời điểm giá xuống. Ngay cả khi một công ty đang được định giá quá cao, thì cũng phải mất một khoảng thời gian nhất định thì giá cổ phiếu của công ty đó mới giảm xuống. Trong khoảng thời gian này, có thể bạn sẽ bị mất đi các khoản lãi, bị margin call hoặc thanh lý tài sản. 


  • Short Squeeze

Short Squeeze xảy ra trong trường hợp số lượng bán khống và ngày đáo hạn của cổ phiếu đó tăng cao. Việc ép giá cổ phiếu bắt đầu diễn ra và những người bán khống đóng giao dịch của họ bằng cách mua lại các vị thế đã short. Như vậy, quá trình mua lại này sẽ khiến cho giá cổ phiếu được đẩy cao hơn và điều này có ảnh hưởng bất lợi đến những người bán khống.

  • Rủi ro pháp lý

Những quy định pháp lý sẽ được áp đặt đối với một số lĩnh vực, nếu như cơ quan quản lý nhận thấy có những dấu hiệu đầu cơ tăng mạnh. Sự điều chỉnh đột ngột này có thể khiến giá cổ phiếu tăng và người bán khống lại một lần nữa mất đi vị thế của mình.

  • Đi ngược xu hướng

Cổ phiếu luôn có chiều hướng tăng và điều này đã được chứng minh từ lịch sử. Như vậy, việc bán khống vô hình chung đã đi ngược lại với xu thế chung của thị trường. 

Cách phòng ngừa rủi ro khi bán khống 

Nhà đầu tư cần phải biết cách xác định các điểm vào lệnh hợp lý và lựa chọn những cổ phiếu thực sự vượt lên quá cao so với giá trị ban đầu để hạn chế rủi ro. Ngoài ra, bạn cũng cần phải đặt một mức giới hạn dành riêng cho việc thua lỗ để quản lý tài chính hợp lý. 

Nên nhớ rằng, chỉ bán cổ phiếu nếu như bạn hiểu rõ được về thị trường và xác định đúng được biến động của cổ phiếu. 

Các bước thực hiện giao dịch bán khống

  • Bước 1: Nhà đầu tư tìm kiếm một sàn giao dịch uy tín và tiến hành mở tài khoản tại đó. Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm một đại lý môi giới chứng khoán để mở tài khoản.
  • Bước 2: Sau khi mở tài khoản, bạn hãy dành một khoảng thời gian để quan sát những biến động của thị trường. Để chắc chắn hơn, bạn có thể đặt lệnh với tài khoản demo hoặc tự đặt trong đầu để xem kết quả như thế nào. Sau khi đã hiểu rõ về thị trường cũng như các quy luật khi giao dịch thì hãy bắt đầu thực hiện lệnh bán khống.
  • Bước 3: Nhà đầu tư thực hiện lệnh bán khống bằng cách mở một vị thế bán trên thị trường. Lúc này, bạn đang mượn tài sản của sàn để giao dịch và tất nhiên bạn phải có một tài khoản ký quỹ trước. 
  • Bước 4: Nhà đầu tư đóng giao dịch bán khống nếu như thị trường đi xuống. Khi đó, bạn đóng giao dịch bán khống lại và trả lại số tài sản mà bạn đã mượn cho sàn. 

Kết luận

Như vậy, bài viết trên đây đã cung cấp cho bạn đọc thông tin chi tiết về bán khống là gì cũng như lợi ích và rủi ro của việc bán khống. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp cho bạn đọc nhận định được chính xác về thuật ngữ này và tiến hành giao dịch hợp lý. 

Nguồn: Tradervn.net

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn